Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Họp trực tuyến phiên họp lần thứ Ba của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Ngày đăng: 03/02/2023  16:26 Lượt xem: 444
Mặc định Cỡ chữ
​​​​​​​Chiều 3/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, tham dự có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị; Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; Các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh (Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh);

Điểm cầu huyện, thành phố thuộc tỉnh: Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ và các Phòng chuyên môn có liên quan thuộc các huyện, thành phố;


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp


Phiên họp được thực hiện dưới hình thức trực tuyến cùng với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Kết quả đánh giá trong năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tác động tích cực đến hành động của chính quyền các cấp, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp  luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như:

 - Chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số thành viên Ban Chỉ đạo. Một số nội dung hoạt động chưa được triển khai đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

- Việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc nhất là ngành y tế, giáo dục là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực ở khu vực công.

- Một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nơi còn hình thức. Tuy hồ sơ nộp trực tuyến nhưng thực chất người dân vẫn phải đến trực tiếp Bộ phận Một cửa để công chức hướng dẫn, yêu cầu quét hồ sơ, tài liệu tại chỗ.

- Chế độ, chính sách cho công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

- Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các CSDL quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%.

Về Nguyên nhân:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính ở một số nơi còn hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới. Một số cá nhân, người đứng đầu có tâm lý sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, ảnh hưởng đến tiến độ.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Công tác xây dựng Chính phủ điện tử còn mới, nhiều nội dung khó, chưa có tiền lệ; cơ sở dữ liệu của các bộ ngành địa phương còn phân tán, chất lượng dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu...

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới Thủ tướng chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương, góp phần cùng Chính phủ hoàn thành thắng lợi phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”.

Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy thích ứng linh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra năm 2023 đã phê duyệt. Bộ Nội vụ tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng.

3. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Bộ Nội vụ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách. Ban hành các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thành việc ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức, tạo điều kiện cho các bộ, ngành khác và địa phương triển khai thực hiện; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về đổi mới công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng và thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

6. Tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05/9/2022 về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có điều kiện.

7. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, xóm, tổ để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số./.

Phòng Hành chính - Tổng hợp
Tin video
Thống kê truy cập
Hiện đang có 714 người đang online Tổng 47.304.251 lượt truy cập