Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2022
Ngày đăng: 30/12/2022  16:25 Lượt xem: 898
Mặc định Cỡ chữ
Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác Ngành Nội vụ năm 2022, đồng thời triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phía điểm cầu của tỉnh có ông Nguyễn Ngọc Sâm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng Lãnh đạo Ngành Nội vụ và các Sở, Ngành của tỉnh đã tham dự.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc hội nghị

          Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Năm 2022, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian. Kết quả, ở Bộ, ngành giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Điển hình là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

          Về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương trên 79.000 người; trong đó, các bộ, ngành trên 5.500 người và địa phương trên 73.500 người.

          Bộ Nội vụ khẳng định, công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế luôn bám sát theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế bảo đảm thống nhất trong hệ thống chính trị.

          Theo đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ, ngành, biên chế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương cho cả giai đoạn 2022-2026. Năm 2022, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là hơn 1.998.000 biên chế.

          Đồng thời, tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026. Giai đoạn 2020-2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng hơn 18.800 công chức và hơn 125.100 viên chức. Trong đó, tuyển dụng được 258 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Kết quả tuyển dụng đã cơ bản kịp thời khắc phục tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc.

          Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ; Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có mặt còn hạn chế; Tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; Về tinh giản biên chế gắn cơ cấu lại và nâng cao chất lượng ngũ cán bộ công chức, viên chức… còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngành, địa phương. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 cũng như những năm tới của ngành nội vụ là rất nặng nề.

          Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Năm 2023 sẽ ưu tiên đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ. Đặc biệt là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã, xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm. Thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ.

          Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh

          Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo. Công việc thường xuyên ngày càng nặng nề, trong khi phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và bất cập, tồn đọng, kéo dài. Đây là năm vô cùng khó khăn, thách thức.

          Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

          Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP trên 8%; GDP lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD, đạt 409 tỷ USD. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Văn hóa - xã hội, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm, tăng cường. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Vị thế, uy tín nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế. Đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. “Trong thành tựu đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành Nội vụ”, Thủ tướng khẳng định.

          Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kết quả đạt được của toàn Ngành Nội vụ, góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.

          Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Bộ Nội vụ, ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu; đồng thời khẳng định Ngành Nội vụ đã có những chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công.

          Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Nội vụ trong năm 2023 là tiếp tục góp phần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; cải cách hành chính, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả của việc cải cách hành chính.

          Để thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng trên, Thủ tướng đề nghị ngành Nội vụ và Bộ Nội vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực Nội vụ. Trong đó, ngành tham mưu đẩy nhanh việc hoàn thiện; đôn đốc, triển khai cơ chế phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết 04 của Chính phủ gắn với cá thể hóa trách nhiệm và kiểm soát quyền lực.

          Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất; xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. “Nghiên cứu sơ kết hiệu quả, tiếp tục thực hiện việc luân chuyển cán bộ; có lên, có xuống, có vào, có ra”, Thủ tướng chỉ rõ.

          Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đề xuất ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; có cơ chế, chính sách phù hợp để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác.


Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

          Thủ tướng đề nghị ngành Nội vụ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với việc triển khai các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan; đổi mới, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng bộ, thống nhất, căn bản hoàn thành mục tiêu của giai đoạn đến năm 2025. Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt vai trò là cơ quan làm nhiệm vụ thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

          Sau hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ và cùng các đại biểu dự, thực hiện nghi thức khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước. Đây là kết quả bước đầu thực hiện Quyết định số 893/QĐ-TTg năm 2020 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

          Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước dự kiến quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước. Cơ sở dữ liệu này được xây dựng nhằm quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên; tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, không giấy tờ, là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

          Trong thời gian tới, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức sẽ được khai thác trên phạm vi toàn quốc, phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống. Để thực hiện được mục tiêu đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức cần sự đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, có sự kết nối mọi lúc, mọi nơi, giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư và cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để sử dụng có hiệu quả dữ liệu thông tin về cán bộ, công chức, viên chức./.

Hồng Nhung
Tin video
Thống kê truy cập
Hiện đang có 745 người đang online Tổng 47.304.279 lượt truy cập