Thứ 3, Ngày 31/12/2024 -
Theo đó, Nghị định số 136/2024/NĐ-CP mở rộng mục đích tổ chức, hoạt động của quỹ tại Điều 3 nhằm góp phần huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Về khái niệm quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại Điều 4 đã được sửa rõ hơn so với Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung thêm khoản 7 của Điều 4: “Người có quan hệ gia đình” nhằm khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong quá trình thành lập, hoạt động quỹ.
Về tên gọi của quỹ tại Điều 7 được bổ sung quy định “Không gắn với tên riêng của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước… nhằm phòng ngừa việc lợi dụng uy tín, hình ảnh của cá nhân có ảnh hưởng trong tổ chức, hoạt động của quỹ có thể xảy ra, góp đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về quỹ, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội... Đồng thời, bổ sung thêm khoản 4 về biểu tượng của quỹ theo hướng đảm bảo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Về pháp nhân tại Điều 8 đã sửa đổi theo hướng chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức, hoạt động, quản lý các tổ chức có tư cách pháp nhân để tránh trường hợp quỹ thành lập pháp nhân không phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động của quỹ theo điều lệ đã được công nhận. Việc bổ sung quy định quỹ có thể tham gia hỗ trợ, tài trợ ngoài phạm vi hoạt động theo điều lệ chỉ thực hiện trong trường hợp hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, khẩn cấp theo quy định pháp luật.
Về sáng lập viên thành lập quỹ tại Điều 11 đã quy định rõ hơn về sáng lập viên thành lập quỹ nếu là cán bộ, công chức, viên chức và sửa lại nội dung Ban Sáng lập quỹ phải có ít nhất 03 sáng lập viên và không phải là người có quan hệ gia đình với nhau, gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban và ủy viên.
Về hồ sơ thành lập quỹ tại Điều 15 đã sửa lại nội dung về sơ yếu lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp số 01; trường hợp không cần phiếu lý lịch tư pháp số 01. Về thời gian giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ tại Điều 17 được sửa tăng lên từ 40 ngày thành 60 ngày.
Về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ tại Điều 18 được bổ sung thêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời, bổ sung quy định về việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến, qua hệ thống bưu chính.
Việc thu hồi giấy phép thành lập và con dấu của quỹ tại Điều 19 được sửa theo hướng bỏ quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của quỹ đối với các trường hợp đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chia, tách, sáp nhập, giải thể quỹ. Bên cạnh đó, tăng thời hạn để tạo điều kiện cho quỹ có thêm thời gian hoàn thiện hồ sơ để công nhận đủ điều kiện hoạt động trong trường hợp quỹ có lý do phù hợp, khách quan.
Tại Điều 20, bỏ quy định “thay đổi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ” và chỉnh sửa việc sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ khi quỹ thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Điều 21, Nghị định đã bổ sung, quy định cụ thể về các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ. Tại Điều 25 về Công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ, Nghị định bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ bổ sung thành viên Hội đồng quản lý quỹ hoặc Hội đồng quản lý quỹ hết nhiệm kỳ và tăng thời gian để đảm bảo quy trình giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về Hội đồng quản lý quỹ tại Điều 26, quy định rõ Hội đồng quản lý quỹ không phải là người có quan hệ gia đình; trách nhiệm điều hành hoạt động của Hội đồng đến khi hết nhiệm kỳ. Về pháp nhân trực thuộc quỹ tại Điều 33, đã sửa theo hướng chuyển quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BNV ngày 13/10/2020 trước đây có yếu tố cấu thành thủ tục hành chính thành quy định của Nghị định số 136/2024-NĐ-CP.
Việc sử dụng quỹ quy định tại Điều 36 được quy định phù hợp với Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Quy định chi hoạt động quản lý quỹ tại Điều 37 được sửa theo hướng nâng mức chi cho hoạt động quản lý lên 10%.
Nghị định cũng bổ sung thêm quy định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể quỹ khi thay đổi địa giới hành chính tại Điều 39 để phù hợp tình hình tổ chức, hoạt động của quỹ khi thay đổi địa giới hành chính của các địa phương.
Tại Điều 40, Nghị định sửa tăng thời hạn hoạt động liên tục của quỹ thành 01 năm; đình chỉ hoạt động của quỹ khi quỹ không có hoạt động tài trợ, hỗ trợ theo điều lệ quỹ trong thời hạn 01 năm; báo cáo không đầy đủ, sai lệch thông tin có hệ thống liên quan tình hình hoạt động của quỹ (bao gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc quỹ). Nghị định cũng sửa rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Nội vụ tại Điều 45. Tại Điều 46, Nghị định đã làm rõ hơn trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ đối với quỹ hoạt động thuộc lĩnh vực do bộ, ngành quản lý.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Điều 48 để rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước với các quỹ do UBND cấp tỉnh, huyện thành lập; có sự phối hợp quản lý đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của quỹ. Đồng thời, bổ sung Điều 48a về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nghị định cũng bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ quy định trong Nghị định số 93/2019/NĐ-Cp chưa phù hợp.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 136/2024/NĐ-CP sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện tốt hơn trong thời gian tới./.
Tin tức liên quan
(18/12/2024)
(15/11/2024)
(14/11/2024)
(08/10/2024)
(04/10/2024)