Thứ 3, Ngày 01/04/2025 -

Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phiên họp lần thứ 9
Ngày đăng: 17/01/2025  15:41 Lượt xem: 104
Mặc định Cỡ chữ
​​​​​​​Chiều ngày 15 tháng 01 năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban thứ hai Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Lân Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; các Thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; bộ phận phụ trách công tác cải cách hành chính của Sở Nội vụ; phóng viên, báo đài đến dự, đưa tin.


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025. Tham luận của các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong năm 2024 - Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

- Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC. Nhiều mô hình hay, điển hình, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu...

- Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

- Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt, điển hình, như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức tới cải cách hành chính; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm thực thi công vụ của CBCCVC ở một số nơi còn thấp, động lực làm việc không cao, tinh thần cải cách chưa mạnh mẽ.

- Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ 30, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện. Vẫn còn tình trạng VBQPPL của một số bộ, cơ quan có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.

- Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC vẫn chưa đạt như kỳ vọng, người dân, doanh nghiệp vẫn mong muốn TTHC được đơn giản, thuận tiện hơn; việc thực hiện cung cấp DVCTT một số nơi còn hình thức; tỷ lệ người dân tự thực hiện DVCTT không cần sự hỗ trợ trực tiếp của công chức không cao; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC chưa đạt tỷ lệ đã đề ra, tỷ lệ tái sử dụng kết quả số hóa thấp.

- Tình trạng chậm muộn, trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương (tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội), cụ thể, theo Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đúng hoặc sớm hạn ở các bộ, ngành chỉ đạt 62%; tại các địa phương đạt 94.5% (trễ hạn 5.5%)…


Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai công tác CCHC với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về CCHC để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung ở một số nội dung sau:

- Các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động năm 2025; tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó tập trung triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, đảm bảo tinh thần "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả";

- Cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

- Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC ngay từ khâu xây dựng VBQPPL; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn, là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ CBCCVC. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý CBCCVC…

--Văn Lâm--
Tin video
Thống kê truy cập
Hiện đang có 1389 người đang online Tổng 47.977.119 lượt truy cập