Thứ 7, Ngày 10/05/2025 -

Vấn đề xử lý tài sản, tài chính của quỹ xã hội, quỹ từ thiện khi sắp xếp
Ngày đăng: 08/05/2025  20:47 Lượt xem: 23
Mặc định Cỡ chữ
Quỹ xã hội, quỹ từ thiện (gọi tắt là quỹ) là các quỹ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Tài sản, tài chính là yếu tố quan trọng góp phần cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động hiệu quả. Và khi sắp xếp quỹ, vấn đề xử lý tài sản, tài chính của quỹ cần được chú ý hơn.

Theo quy định tại Nghị định số 136/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 thì quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng, từ thiện, nhân đạo.

Về nguồn gốc hình thành tài sản, tài chính của quỹ, có nhiều loại. Đó là từ tiền đồng Việt Nam và tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản và các loại tài sản khác) của các cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức đã góp tài sản vào quỹ không còn quyền sở hữu và trách nhiệm dân sự với tài sản đó. Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ, quyền tài sản phải được định giá bởi tổ chức thẩm định giá được thành lập theo quy định của pháp luật. Thứ hai là các khoản sinh lời từ tài sản, tài chính của quỹ. Thứ ba là tài sản, tài chính hợp pháp khác (Điều 34, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019).

Trong đó, nguồn thu của quỹ cũng bao gồm nhiều nhiều khoản. Thứ nhất, thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật. Nguồn thu của quỹ không bao gồm nguồn tài sản của các sáng lập viên theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Thứ hai là thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Thứ ba là kinh phí do ngân sách nhà nước cấp (nếu có), bao gồm thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước giao và thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng. Thứ tư thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ. Thứ năm là các khoản thu hợp pháp khác (nếu có) (Điều 35, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019).

Về sử dụng, tài sản, tài chính của quỹ được sử dụng để đảm bảo hoạt động ban đầu của quỹ, chi cho các nhiệm vụ phù hợp với điều lệ của quỹ và quy định của pháp luật. Đối với tài sản là tiền đồng Việt Nam; ngoại tệ, vàng quy đổi thành tiền đồng Việt Nam đóng góp cho quỹ phải được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng của quỹ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc sử dụng tài sản, tài chính của quỹ cho hoạt động quản lý quỹ được quy định tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 136/2024/NĐ-CP và được quy định rõ tỷ lệ chi. Hội đồng quản lý quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ từ nguồn tài sản, tài chính của quỹ nhưng không quá 10% tổng chi trong năm của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho các chương trình, các đề án theo điều lệ quỹ và quy định pháp luật (không bao gồm các khoản: Tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng và các khoản tài trợ có số tiền, địa chỉ của người nhận). Trường hợp chi phí quản lý của quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định.

Việc quy định này là phù hợp vì một số quỹ khi thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ thì phát sinh chi thực tế cho hoạt động quản lý quỹ rất nhiều. Tuy nhiên, phải chờ khi Hội đồng quản lý họp quy định lại định mức chi cho hoạt động quản lý quỹ đã gây khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động của quỹ ngay tại thời điểm phát sinh nhu cầu chi cho hoạt động quản lý quỹ vượt quá quy định. Vì vậy, nhằm tạo điều để quỹ hoạt động được đảm bảo ổn định, thống nhất, không bị đình trệ trong các hoạt động của quỹ thì việc quy định nâng mức chi cho hoạt động quản lý lên 10% là phù hợp với thực tiễn hoạt động của quỹ tạo điều kiện để quỹ thực hiện tốt các chương trình, nhiệm vụ tài trợ.

Sắp tới, sẽ có sự thay đổi về phạm vi hoạt động cũng như cơ quan quản lý nhà nước của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 và chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025. Và các quỹ cũng sẽ có sự sắp xếp cho phù hợp với thực tiễn như  sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể... Ngoài các vấn đề như nhân sự, tài liệu lưu trữ thì vấn đề cần chú ý khi sắp xếp là xử lý tài sản, tài chính của quỹ phù hợp, đúng quy định tại Điều 42, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Bởi lẽ, việc xử lý tài sản, tài chính không đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả và không thể khắc phục được. Về xử lý tài sản, tài chính của quỹ có 03 nhóm trường hợp:

Đối với trường hợp quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì toàn bộ tiền và tài sản của quỹ phải được tiến hành kiểm kê và có biên bản kiểm kê trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; tuyệt đối không được phân chia tài sản của quỹ. Tiền và tài sản của quỹ mới được sáp nhập, hợp nhất, chia, tách phải bằng tổng số tiền và tài sản của quỹ trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách theo biên bản kiểm kê tiền và tài sản. Tổng số tiền và tài sản của các quỹ mới được chia, tách phải bằng với số tiền và tài sản của quỹ trước khi chia, tách theo biên bản kiểm kê tiền và tài sản.

Đối với trường hợp quỹ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn thì toàn bộ tiền và tài sản của quỹ phải được kiểm kê và giữ nguyên hiện trạng tài sản. Trong thời gian bị đình chỉ có thời hạn hoạt động, quỹ chỉ được chi các khoản có tính chất thường xuyên cho bộ máy hoạt động đến khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với trường hợp quỹ bị giải thể, không được phân chia tài sản của quỹ. Việc bán, thanh lý tài sản của quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Toàn bộ số tiền hiện có của quỹ và tiền thu được do bán, thanh lý tài sản của quỹ khi quỹ giải thể được thanh toán theo thứ tự sau: (1) Chi phí giải thể quỹ; (2) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (3) Nợ thuế và các khoản phải trả khác.

Tài sản, tài chính tự có của quỹ và tài sản, tài chính của tổ chức trong và ngoài nước tài trợ còn lại của quỹ do cơ quan thuộc cấp nào cho phép thành lập thì được nộp vào ngân sách cấp đó. Đối với tài sản do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (nếu có) quỹ thực hiện chuyển giao cho Nhà nước để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công. Như vậy, đối với tài chính, tài sản của quỹ thì sẽ tuỳ trường hợp mà nộp vào ngân sách của cấp thành lập quỹ hoặc chuyển giao cho nhà nước để thực hiện xử lý; không có quy định quỹ được phép tự phân chia, giải quyết.

Do đó, trong quá trình thực hiện sắp xếp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện cần chú ý đến các quy định về tài sản, tài chính của quỹ để thực hiện cho đúng quy định, tránh những đề xuất hoặc cách xử lý không phù hợp.

Ngọc Nghĩa
Tin video
Thống kê truy cập
Hiện đang có 222 người đang online Tổng 48.020.323 lượt truy cập