Chủ nhật, Ngày 04/05/2025 -
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 13/2022/TT-BNV thì: “Khi xác định cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thì không tính công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý”. Như vậy, có nghĩa là không xác định cơ cấu ngạch công chức đối với công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Do đó, khi tính cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, địa phương, tổ chức hành chính thì vị trí việc làm được xác định cơ cấu ngạch công chức gồm vị trí công chức nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung với tổng biên chế công chức của 02 nhóm với các ngạch có bố trí biên chế. Do đó, không tính các vị trí kiêm nhiệm khi xác định cơ cấu ngạch công chức.
Khi xây dựng danh mục vị trí việc làm của các cơ quan, địa phương, tổ chức hành chính thì chỉ xác định ngạch đối với các vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung. Ví dụ vị trí chuyên ngành nội vụ “Chuyên viên chính về tổ chức bộ máy” thì ngạch được xác định là Chuyên viên chính; vị trí dùng chung nội vụ “Chuyên viên về hành chính-văn phòng thì ngạch được xác định là Chuyên viên.
Tại các bản mô tả của các vị trí lãnh đạo, quản lý theo phụ lục tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV đều có nội dung “Đảm nhiệm công việc của 1 vị trí việc làm nghiệp vụ tương ứng ngạch công chức cao nhất trong tổ chức”. Như vậy, khi trình phê duyệt vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương thì cần phải chú ý nội dung “tương ứng ngạch công chức cao nhất trong tổ chức” và trong danh mục vị trí việc làm ngoài yêu cầu ngạch với các vị trí của 02 nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí chuyên môn dùng chung thì cần phải chú yêu cầu đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý cho phù hợp theo quy định. Đối với các vị trí việc làm thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý (công chức) ở cấp tỉnh, cấp huyện thì sẽ không nêu ngạch như vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung.
Đồng thời, tại Văn bản số 2196/SNV-CCVC ngày 21/5/2023 của Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ cũng có hướng dẫn “Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 13/2022/TT-BNV quy định: “Khi xác định cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thì không tính công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý”. Vì vậy, đề nghị các cơ quan, tổ chức không xác định cơ cấu ngạch công chức đối với công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý của đơn vị mình. Việc cử công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý tham dự các kỳ thi nâng ngạch đề nghị căn cứ vào đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền đối với từng kỳ thi nâng ngạch công chức”. Đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho các vị trí lãnh đạo, quản lý khi “cử công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý tham dự các kỳ thi nâng ngạch đề nghị căn cứ vào đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền đối với từng kỳ thi nâng ngạch công chức” tại Văn bản số 2196/SNV-CCVC ngày 21/5/2023 của Bộ Nội vụ thì các cơ quan, địa phương, tổ chức hành chính vẫn đề xuất tạm thời dự kiến tiêu chuẩn chức danh của các vị trí tại nhóm lãnh đạo, quản lý để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Ảnh minh hoạ: Danh mục vị trí việc làm của Sở Nội vụ.
Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo Điều 6 Nghị định số 29/2024/NĐ-CP thì tiêu chuẩn trình độ đào tạo áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm trình độ đào tạo, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, trình độ ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với trường hợp vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.
Như vậy, có thể thấy việc ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước đã đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành về bổ nhiệm chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tạo sự thống nhất trong việc phê duyệt vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (công chức) ở cấp tỉnh, cấp huyện. Việc xác định, xây dựng và nghiên cứu tiêu chuẩn của các vị trí việc làm của nhóm lãnh đạo quản lý cũng đã rõ ràng, đầy đủ tính pháp lý hơn./.
Tin tức liên quan
(29/04/2025)
(23/04/2025)
(21/04/2025)
(09/04/2025)
(03/04/2025)