Thứ 4, Ngày 09/10/2024 -
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì quỹ xã hội là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Hiện nay, cơ sở pháp lý quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện là Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Thông tư số 04/2020/TT-BNV ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Thông tư số 08/2023/TT-BNV ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ một phần Thông tư số 04/2020/TT-BNV ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nhìn chung về tổ chức, hoạt động quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, công tác quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thực hiện theo khuôn khổ, nền nếp và có hiệu quả. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu về quản lý nhà nước đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện được nâng lên.
Sở Nội vụ đã làm tốt vai trò tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý tốt các quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến việc quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện như: cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, các địa phương trong việc quản lý quỹ… Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và điều lệ của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thực hiện thường xuyên. Việc xem xét và cho phép quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh đa só đều hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò của mình. Hoạt động của các quỹ này đã góp phần cùng địa phương giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân; tạo điều kiện giúp các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người trẻ lập nghiệp, người lầm lỡ... có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, khắc phục khó khăn.
Một số mô hình khởi nghiệp về trồng rau và quán cà phê có hiệu quả mà quỹ xã hội đã hỗ trợ
Chính vì vậy đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền, mặt trận đoàn thể và của cả cộng đồng xã hội đối với các gia đình chính sách, người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người trẻ lập nghiệp, người lầm lỡ; thể hiện giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc nhân ái, nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”... Qua đó đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Quỹ từ thiện tặng quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo tôn chỉ, mục đích của quỹ
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, hoạt động về quỹ xã hội, quỹ từ thiện, vẫn còn có sự nhầm lẫn của các tổ chức, cá nhân về tính chất, tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện với các loại quỹ khác được thành lập theo các quy định riêng của pháp luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Chẳng hạn, khi xin thành lập mới các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, một số sáng lập viên chưa nắm rõ các quy định, còn nhầm lẫn về tôn chỉ, mục đích thành lập quỹ. Một số sáng lập viên lại đi vận động các nguồn lực để thành lập quỹ. Có một số trường hợp lại kiến nghị đề xuất giảm số tiền đóng góp thành lập quỹ. Hoặc cũng có trường hợp hiểu nhầm bản chất của quỹ xã hội, quỹ từ thiện cũng giống các quỹ như quỹ tài chính dẫn đến nhiều đề xuất không hợp lý với cấp có thẩm quyền. Đồng thời, việc xác định tính chất để cho phép thành lập quỹ cũng rất quan trọng trong quá trình quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Do đó, qua quá trình nghiên cứu, có thể khái quát về những đặc điểm để nhận diện và thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo các quy định hiện hành như sau: Văn bản điều chỉnh quy định về việc thành lập quỹ; Tính chất của quỹ; Cấp thành lập; Kinh phí thành lập; Cơ cấu tổ chức của quỹ; Quy định việc vận động ủng hộ quỹ… Muốn thực hiện được các nội dung này thì cần phải tìm hiểu kỹ các văn bản pháp luật quy định về việc thành lập quỹ, các quy định về tài chính và con dấu... Điều này đòi hỏi cần phải có sự đầu tư về thời gian nghiên cứu sâu các quy định để có thể đưa ra những đặc điểm chung nhất trong xác định, thành lập, quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Như vậy, có thể thấy khi có sự nhận diện về quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì sẽ càng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này./.
Tin tức liên quan
(25/09/2024)
(16/08/2024)
(29/07/2024)
(29/07/2024)
(26/07/2024)