Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Ban hành Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15
Ngày đăng: 02/08/2022  17:03 Lượt xem: 2498
Mặc định Cỡ chữ
​​​​​​​Quốc hội vừa thông qua Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 tại kỳ họp thứ 3, ngày 15 tháng 6 năm 2022. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 Chương, 96 Điều. Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có những điểm mới so với Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 32/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13 như sau:

- Về nguyên tắc trong thi đua: bổ sung thêm tính “minh bạch” trong thi đua (Điều 5); Bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7). Về nguyên tắc trong khen thưởng bổ sung tính “minh bạch” trong khen thưởng; yêu cầu có thêm tính thống nhất đối với công trạng, thành tích đạt được; không còn yêu cầu “tính chất” khen thưởng; bổ sung yêu cầu: một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng được quy định trong Luật; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Luật này không còn quy định về nguyên tắc kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

- Đã thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; bổ sung cụ thể thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 24), “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” (Điều 28) cho từng nhóm đối tượng; bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, ban, ngành công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” (khoản 3 Điều 79); bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng (khoản 3 và khoản 5 Điều 83); Bộ, ban, ngành, tỉnh căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.

- Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13), Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (khoản 6 Điều 83), Cơ quan báo chí phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào thi đua (khoản 4 Điều 13).

- Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua (Điều 21, 22, 23, 24 và khoản 1 Điều 26); bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn để có thể xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” bên cạnh sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23); Bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức; tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết (Điều 25); Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29).

- Bổ sung đối tượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (khoản 2 Điều 24); Bổ sung đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo; Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho đối tượng là cán bộ nghiên cứu giáo dục (Điều 64); Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh” (khoản 1 Điều 65)…

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58); Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 Điều 96) kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành; Bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37 và Điều 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44).

Đồng thời, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân, Luật đã quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) cho đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; Bổ sung quy định nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác (Điều 81); Bổ sung thẩm quyền trình khen thưởng đối với doanh nghiệp do Chính phủ quy định (khoản 7 Điều 83).

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 32/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành. Về điều khoản chuyển tiếp: Nhà nước tiếp tục công nhận và bảo hộ danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã được tặng hoặc truy tặng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các chế độ, quyền lợi kèm theo danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật.

Với những đổi mới như trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 sẽ góp phần to lớn trong việc phát huy cao độ truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành, địa phương và của đất nước gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước./.

Luật Thi đua, Khen thưởng số 06/2022/QH15

Ngọc Nghĩa
Tin video
Thống kê truy cập
Hiện đang có 93 người đang online Tổng 47.324.987 lượt truy cập